Ngọc trai quý giá vốn bắt đầu từ một hạt cát nhỏ nhoi. Hạt cát đó may mắn vô cùng mới gặp được môi trường của con trai để trở thành một viên ngọc tuyệt đẹp. Trẻ em cũng vậy, có môi trường tốt do bố mẹ tạo nên thì mới có thể trở thành viên ngọc. Do đó, “mỗi khi cảm thấy bản thân nhỏ bé như hạt cát, hãy tự nhủ rằng sau này mình sẽ trở thành một viên ngọc trai tuyệt đẹp”.
[Video recap lại cuộc trò chuyện – LINK]
Đó là lời nhắn nhủ của bác Phạm Đức Trung Kiên dành cho Nguyễn Nguyên Khoa – cậu bạn đại sứ của chương trình Khan Academy Tiếng Việt trong buổi gặp mặt vào ngày 28-11 vừa qua.
Hai bác cháu chào nhau bằng một cái đập tay lần đầu gặp mặt.
Bác Phạm Đức Trung Kiên là Giám đốc sáng lập của tổ chức phi lợi nhuận The Vietnam Foundation (VNF) – đối tác chính thức của Khan Academy tại Việt Nam. Bác cũng là nguyên Giám Đốc Điều Hành của Quỹ Giáo Dục Việt Nam (VEF – Vietnam Education Foundation). Bác Kiên đã dành phần lớn sự nghiệp để đóng góp vào việc xây dựng chiếc cầu kết nối giáo dục Việt – Mỹ, nhằm mang đến cho hơn 600 bạn trẻ Việt Nam cơ hội tiếp cận nền tảng giáo dục hàng đầu thế giới. Việc hợp tác triển khai chương trình Khan Academy tại Việt Nam là một nhịp cầu mới cho chiếc cầu giáo dục này.
Bạn Nguyễn Nguyên Khoa hiện là học sinh lớp 6 của trường THCS Hà Huy Tập tại thành phố Hồ Chí Minh, là Đại sứ cộng đồng của chương trình Khan Academy Tiếng Việt. Từ đam mê học tập trên Khan Academy, Nguyên Khoa đã tổ chức các lớp hướng dẫn cho bạn cùng lứa tuổi cách học tập trên Khan Academy. Hiện các lớp hướng dẫn của Đại Sứ Nguyên Khoa đã có hơn 500 bạn đến từ khắp mọi miền của Việt Nam.
Mặc cho cách biệt thế hệ nhưng giữa bác Kiên và Nguyên Khoa tồn tại một kết nối mạnh mẽ, cùng chung niềm đam mê cống hiến hết mình cho cộng đồng. Một người sau khi gây dựng sự nghiệp thì dành phần lớn thời gian để đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam, một người dù còn nhỏ tuổi nhưng vẫn tranh thủ thời gian ngoài giờ học ít ỏi để chia sẻ niềm vui học tập với hơn 500 bạn nhỏ trên cả nước.
Nguyên Khoa: Bác Kiên ơi, vậy bác đã biết đến Khan Academy như thế nào? Vì sao bác quyết định đưa Khan Academy Tiếng Việt về Việt Nam ạ?
Bác Kiên: Bác có một con gái lớn là Penny, khi Penny học lớp 6, nhiều hôm đã 10h tối rồi mà Penny vẫn miệt mài học và làm bài tập trên máy tính. Bác muốn Penny đi ngủ nhưng Penny muốn xin thêm 10 phút nữa vì con sắp được 100 điểm phần Toán trên Khan Academy rồi.
Trước đó bác vẫn chưa biết đến Khan Academy đâu. Sau đó bác tìm hiểu thì biết được chương trình này miễn phí, dễ học, có cách lôi cuốn học sinh tự học rất hay. Bác nghĩ rằng trẻ em ở Việt Nam mà có cơ hội này thì rất tuyệt vời. Nhưng các bạn ở vùng sâu vùng xa không biết tiếng Anh nhiều nên việc tiếp cận được chương trình là rất khó. Vậy nên bác muốn chuyển ngữ chương trình sang tiếng Việt để tất cả trẻ em Việt Nam đều có thể học được.
Cuộc trò chuyện đầy những câu hỏi thú vị giữa hai bác cháu
Nguyên Khoa: Con có tìm hiểu về bác và từng nghe bác nhắc đến cụm từ “la bàn nội tâm”, bác có thể chia sẻ giúp con khái niệm và cách áp dụng “la bàn nội tâm” như thế nào không ạ?
Bác Kiên: Câu hỏi này khá sâu sắc đấy. Cây kim của la bàn sẽ luôn chỉ về hướng bắc dù có ở vị trí nào đi chăng nữa, và hướng bắc chính là mục đích của mình. Có những người còn rất trẻ tuổi đã suy nghĩ và xác định được mục tiêu của cuộc đời mình. Nhưng cũng có những người, dù đã học xong Đại học và đi làm vẫn chưa xác định được. Như con thuyền trên biển, người ta đi mà không có điểm đến nên rất mất thời gian và lạc lối.
Trong việc học cũng vậy, Khoa phải xác định được mục đích của mình và làm cách nào để đạt được mục đích đó, khi đó, “la bàn nội tâm” sẽ dẫn hướng cho Khoa đi. Vậy Khoa sau này lớn lên muốn làm gì, con đã hình dung được chưa?
Nguyên Khoa: Bây giờ con vẫn muốn tiếp tục sử dụng Khan Academy và hướng dẫn cho nhiều em nhỏ khác. Còn sau này con thích được làm những nghề liên quan đến Toán và Công nghệ ạ.
Câu hỏi tiếp theo mà con mong bác chia sẻ là về Đam Mê, môn học thế mạnh ạ. Nếu có một thời điểm, thế mạnh của mình không còn phù hợp với hoàn cảnh hay nhu cầu xã hội nữa thì nên thích nghi như thế nào ạ? Bác sẽ khuyên gì cho con và các bạn học sinh về việc trang bị năng lực linh hoạt trong nghề nghiệp tương lai ạ?
Bác Kiên: Ban đầu khi sang Mỹ, bác mong muốn học Kỹ sư thủy điện, mong ngày nào đó về Việt Nam có thể xây dựng đập thủy điện. Khi vào đại học, bác khám phá ra sau này mình sẽ khiếm thị, cũng không biết mình còn bao nhiêu năm để nhìn thấy, vì vậy bác chuyển sang học về kinh doanh, cũng phải trau dồi thêm tiếng Anh nữa. Những quyết định đó đã mở ra cho bác chân trời mới.
Bác chia sẻ với Khoa và các bạn nhỏ, đầu tiên luôn phải giữ được đam mê và ham muốn học tập trong mình. Đã có mục tiêu, nếu giữa đường gặp vật cản không có nghĩa mình ngồi đó khóc, mà mình sẽ đi đường vòng. Hãy luôn tìm ra cách khác để đóng góp cho xã hội, cộng đồng và nhất quyết không bỏ cuộc.
Trao chứng nhận Đại sứ Khan Academy Tiếng Việt đầu tiên cho thầy giáo nhí Nguyễn Nguyên Khoa
Kết thúc buổi gặp mặt, bác Phạm Đức Trung Kiên trao tặng Nguyên Khoa một món quà đặc biệt và chứng nhận Đại sứ Khan Academy Tiếng Việt với lời nhắn nhủ: “Như Sal Khan làm chương trình để lưu lại mai sau, ảnh hưởng tích cực đến hàng triệu người trên thế giới, con là Đại sứ đầu tiên của Khan Academy Tiếng Việt, bác hy vọng đam mê khám phá, tinh thần tự học và ý thức chia sẻ và cùng nhau học tập của Nguyên Khoa sẽ còn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa đến thật nhiều bạn nhỏ Việt Nam.”
Anh Vy