Chỉ cần 3 bước giúp cha mẹ chọn khoá học online phù hợp cho con
Nguồn: Istock
Tìm khoá học online để cho con học thêm đang là một lựa chọn khá phổ biến của các bậc phụ huynh, đặc biệt trong hai năm gần đây. Tuy vậy, nhiều cha mẹ còn lúng túng trong việc lựa chọn khoá phù hợp nhất cho con giữa “rừng khoá học” muôn màu muôn vẻ, đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung. Sau đây chúng tôi sẽ “tham mưu” cho cha mẹ một quy trình 3 bước đơn giản để tự tin lựa chọn khoá học cho con mình.
Bước 1: Xác định rõ nhu cầu của mình và con mình
Qua chia sẻ của các bậc phụ huynh, chúng tôi nhận thấy nhu cầu tìm khoá học online cho con có thể chia thành 3 nhóm chính:
- Giúp con bù đắp lỗ hổng kiến thức, cải thiện điểm số trên trường
- Giúp con ôn tập cho một kì thi quan trọng
- Khơi dậy hứng thú học tập của con, thường là với một môn học mới
Dù thuộc nhóm nào, cha mẹ cũng đừng quên niệm thần chú “Con học chứ không phải mình học” nhé! Các yếu tố quan trọng mà cha mẹ nên cân nhắc ở bước này là:
- Ý muốn của con: Con có muốn học thêm hay không? Con muốn học thêm môn gì?
- Thời điểm: Hiện tại lịch học của con thế nào? Có nên cho con học thêm không?
- Tìm tài liệu hay tìm khoá học: Cha mẹ lưu ý rằng không nhất thiết phải bỏ ra một khoản chi phí thì con mới học được. Hiện tại có rất nhiều website, ứng dụng cung cấp tài liệu, bài học hoàn toàn miễn phí, chất lượng, tuy vậy cha mẹ sẽ cần dành thời gian nhiều hơn để đồng hành, hướng dẫn con học, đặc biệt là học sinh lớp nhỏ.
Mách nhỏ: Cha mẹ cần cân nhắc kĩ việc có nên cho trẻ học thêm online trong thời gian dịch bệnh hay không, khi trẻ đã khá “oải” với lịch học online 3-4 tiếng liên tục ở trường mỗi ngày.
Nếu sau khi cân nhắc các yếu tố trên, câu trả lời của cha mẹ vẫn là có thì chúng ta sẽ đến với bước 2.
Bước 2: Tìm kiếm và đánh giá
Cách đơn giản nhất để tìm kiếm khoá học online là gõ cấu trúc “học + môn học + khối lớp”. Ví dụ, cha mẹ có con học lớp 1 có thể gõ “học Toán online lớp 1”. Ngoài ra, cha mẹ hoàn toàn có thể tham khảo thầy cô, bạn bè hoặc hỏi ý kiến trên các group cộng đồng để được tư vấn.
Các tiêu chí mà cha mẹ nên dùng để đánh giá một khoá học online bao gồm:
Hình thức học: tuy cùng là “học online” nhưng thực ra lại có đến 2 hình thức “học online” khác nhau hoàn toàn: giao tiếp đồng bộ và không đồng bộ. Giao tiếp đồng bộ nghĩa là cô và trò gặp nhau trên một nền tảng trong cùng một thời điểm, cô tương tác với trò trực tiếp, phù hợp với học sinh lớp nhỏ, khả năng tập trung yếu, cần nhiều tương tác trực tiếp. Giao tiếp không đồng bộ nghĩa là học sinh sẽ học với bộ video và bài tập có sẵn, tương tác chủ yếu thông qua các kênh hỏi đáp, diễn đàn, phù hợp với học sinh bận rộn, khả năng tự chủ cao. Một số nơi đang kết hợp cả hai hình thức này trong cùng một khoá học.
Thời gian học: tuỳ theo hình thức, mỗi khoá học có thể yêu cầu con học bắt buộc 2-3 buổi/tuần, hoàn thành một lượng bài tập nào đó mỗi tuần và có bài kiểm tra định kì. Ngược lại, nhiều khoá học chỉ đưa ra một khung thời gian tham khảo, học sinh có thể linh hoạt theo lịch riêng của mình. Cha mẹ nên sắp xếp để cân bằng giữa thời gian học, thời gian vui chơi, trải nghiệm và nghỉ ngơi của con, cũng như thuận tiện để cha mẹ hỗ trợ khi con cần.
1. Đánh giá của người mua trước: cha mẹ có thể xem đánh giá, bình luận của những người mua trước ở trên trang thông tin khoá học, hoặc tham khảo các post trên các group cộng đồng cha mẹ, dạy con trên Facebook về khoá học đó. Thông thường, các khoá học uy tín sẽ có group hỗ trợ khách hàng trên Facebook và các câu chuyện thành công trên Fanpage, website.
2.Độ uy tín: cha mẹ nên xem kĩ về đội ngũ sản xuất khoá học xem họ thuộc tổ chức nào, có nổi tiếng hay không, tổ chức Việt Nam hay nước ngoài, là đối tác của những bên nào, đội ngũ sản xuất bao gồm những ai. Thông thường, các khoá học uy tín sẽ cần có sự tham gia sản xuất của giáo viên và được thẩm định bởi các tổ chức lớn hoặc cá nhân có chuyên môn.
3.Cách thức kiểm tra và đánh giá tiến bộ: đây là một yếu tố mà ít cha mẹ nghĩ đến khi tìm khoá học cho con. Một khoá học uy tín, chất lượng sẽ đưa ra được cách thức quản lý rõ ràng để phụ huynh có thể thường xuyên nắm bắt, cập nhật tình hình của con, cũng như theo dõi được sự tiến bộ của con trong quá trình học.
4.Chi phí: bên cạnh các khoá học miễn phí, các khoá học mất phí cũng có hình thức thanh toán khá linh hoạt, theo tháng, theo kì học, theo năm học hoặc trọn đời. Thông thường, cha mẹ nên chọn những gói ngắn hạn để cho con học thử trước, thay vì đăng kí mua luôn gói dài hạn hay trọn đời.
5.Thiết bị: cha mẹ cũng sẽ cần tìm hiểu kĩ xem khoá học sẽ yêu cầu sử dụng thiết bị gì, thiết bị đó có sẵn và có thuận tiện cho con dùng hay không. Thông thường, trẻ nhỏ học trên máy tính bảng, Ipad là phù hợp nhất, trong khi các bạn lớn hơn nên sử dụng máy tính để phục vụ những nhu cầu học tập phức tạp hơn.
Mách nhỏ: Đa số các khoá học sẽ có các bài học thử để cha mẹ và con xem trước. Nếu không thấy trên website, cha mẹ có thể liên hệ trực tiếp với nhân viên tư vấn (nếu có) để hỏi về chính sách học thử cũng như các chính sách chăm sóc khách hàng, bảo hành, đổi trả.
Sau khi nghiên cứu kĩ và so sánh giữa các khoá khác nhau, cha mẹ sẽ lựa chọn 1 hoặc 1 số khoá học phù hợp nhất, tuỳ thuộc vào nhu cầu và các yếu tố đã xác định trong bước 1.
Bước 3: Lên lịch và bắt đầu học thôi!
Dù khoá học ở số buổi cố định hay không, tốt hơn hết là cha mẹ giúp con lên một lịch cố định trong ngày hoặc trong tuần để học. Điều này sẽ giúp con tạo được thói quen ngồi vào bàn học và tập trung trong một thời gian cố định, sau đó sẽ được chơi hoặc làm việc khác theo ý con.
Cha mẹ cũng nên ngồi học cùng con trong ít nhất 3 buổi đầu tiên (hoặc nhiều hơn) tuỳ vào độ tuổi của con để quan sát và hỗ trợ, tránh tình trạng con “bơ vơ” và “mất kết nối” khi không hiểu bài và không được quan tâm kịp thời.
Trên đây là quy trình 3 bước mà chúng tôi đã đúc kết sau khi nghiên cứu nhu cầu của phụ huynh, học sinh, cũng như nghiên cứu các khoá học online có sẵn trên thị trường. Hi vọng rằng bài viết đã giúp các cha mẹ hiểu rõ hơn về quá trình tìm kiếm và lựa chọn khoá học phù hợp cho con mình. Để cho con học Toán và Khoa học miễn phí, cha mẹ có thể truy cập vi.khanacademy.org (bản tiếng Việt) hoặc khanacademy.org (bản tiếng Anh).
Dung Nguyễn